Khảo Sát Địa Hình

Đất đai là tài sản lớn của mọi người, mọi nhà và của cả một đất nước. Các cuộc xung đột giữa quốc gia với quốc gia, giữa cá nhân với cá nhân thường bắt nguồn từ tranh chấp đất đai. Việc làm rõ ranh giới giữa các thửa đất là điều kiện tiên quyết để hoàn tất các thủ tục, hồ sơ, hợp pháp hóa quyền sử dụng đất. Đó là lý do mà môn khoa học khảo sát địa hình ra đời.

Khảo sát địa hình không chỉ là việc làm rõ ranh giới giữa các thửa đất, mà còn rộng lớn và mang lại nhiều lợi ích hơn thế!

khảo sát địa hình là gì?

1. Tổng quan về khảo sát địa hình

1.1 Khảo sát địa hình là gì?

Khảo sát địa hình là một kỹ thuật, một nghề nghiệp và là bộ môn khoa học, sử dụng các kiến thức về hình học, lượng giác và các thiết bị trắc địa chuyên dụng để xác định vị trí, khoảng cách, góc của các điểm trên bề mặt trái đất hoặc trong không gian 3 chiều, từ đó thiết lập bản đồ, xác định ranh giới giữa các khoảng đất.

Có nhiều hình thức trong việc khảo sát trắc địa, mỗi hình thức có một mục đích riêng và sử dụng các công cụ riêng, hoặc sử dụng kết hợp giữa các loại công cụ khác nhau.

1.2 Lý do cần phải khảo sát địa hình

Trên thực tế, có rất nhiều lý do để các cá nhân, tổ chức thực hiện việc khảo sát trắc địa, trong đó có:

  • Xác định ranh giới thửa đất
  • Thực hiện các thủ tục pháp lý trong việc xin cấp quyền sử dụng, tranh chấp chấp đất đai.
  • Phục vụ cho công tác thiết kế chi tiết trong xây dựng
  • Xác định vị trí các hạng mục công trình khi có bản thiết kế
  • Tính toán khối lượng, trữ lượng tài nguyên
  • Quan trắc công trình trong việc lún, nứt…
  • Quan sát sự dịch chuyển của tài nguyên đất như lấn biển, sự sạt lở đất, sự dịch chuyển của dòng sông, sự thay đổi của diện tích đất rừng
  • ….
khảo sát bố trí điểm với máy toàn đạc

1.3 Các loại khảo sát địa hình

  • Khảo sát xác định ranh giới: Loại hình này được sử dụng để xác định chính xác ranh giới giữa các thửa đất, đường biên giới giữa các quốc gia. Loại hình này được sử dụng nhằm mục đích giải quyết các tranh chấp pháp lý về đất đai.
  • Khảo sát xác định vị trí: Loại hình này nhằm mục đích xác định địa điểm khi có các điểm tọa độ trên bản vẽ. Công việc này giúp bố trí chính xác địa điểm thi công xây dựng, hoặc tìm lại những mảnh đất thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức.
  • Khảo sát phân chia đất đai: Loại hình này được sử dụng để chia một khu vực thành những lô đất nhỏ hơn (Phân lô) theo đúng quy hoạch.
  • Khảo sát quy hoạch: Việc khảo sát này nhằm tạo ra bản đồ quy hoạch cho các khu vực sắp được xây dựng, hoặc quy hoạch lại những khu vực cần thiết.
  • Khảo sát xây dựng: Loại hình này nhằm xác định vị trí của các cấu trúc công trình như tim, trục, vị trí đường ống, vị trí hố ga…
  • Khảo sát thành lập bản đồ: Công việc này có yêu cầu rõ ràng là các nhà khảo sát phải thành lập các loại bản đồ tùy theo mục đích của chủ đầu tư.
  • Khảo sát quan trắc: Loại hình này nhằm phát hiện sự dịch chuyển dù là nhỏ nhất của đất đai, hoặc sự nứt, lún của các công trình để có biện pháp xử lý.
khảo sát địa hình với máy gps 2 tần

1.4 Các kỹ thuật thường dùng trong khảo sát trắc địa

Trong công tác khảo sát trắc địa, các kỹ sư phải vận dụng thành thạo các kỹ thuật đo đạc sau:

  • Đo khoảng cách: Phép đo này nhằm xác định khoảng cách ngang, khoảng cách đứng giữa các điểm. Với sự ra đời của công nghệ đo EDM bằng máy toàn đạc điện tử, các phép đo khoảng cách trở lên nhanh chóng và cực kỳ chính xác.
  • Đo góc: Vận dụng các phương pháp nhằm xác định góc đứng, góc ngang. Người ta thường sử dụng máy kinh vĩ để đo góc một cách chính xác.
  • Đo cao độ: Là phương pháp xác định độ cao của một điểm so với mặt phẳng giả định hoặc so với mặt thủy chuẩn trái đất. Máy thủy bình công cụ tốt nhất để thực hiện đo cao độ trong cả khảo sát và xây dựng.
  • Xác định tọa độ: Là sử dụng các phương pháp để xác định tọa độ điểm trong một hệ tọa độ nhất định như hệ tọa độ VN2000 hoặc WS84. Máy GPS RTK là công cụ tốt để xác định tọa độ điểm. Nhưng ngày nay, các drone khảo sát RTK được ưa chuộng hơn nhờ độ chính xác và tốc độ xử lý công việc.

1.5 Các công cụ chuyên dụng phục vụ khảo sát trắc địa

Trước đây, để đo khoảng cách, người ta phải dùng đến thước dây, căng các đoạn dây để tránh độ trùng. Hoặc đo góc sử dụng la bàn…. thì ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các loại máy trắc địa chuyên dụng được sản xuất hàng loại với nhiều tiện ích, giúp cho dịch vụ đo đạc – trắc địa trở lên dễ dàng, nhanh chóng, giá thành phải chăng.

2. Quy định & tiêu chuẩn khảo sát địa hình tại Việt Nam

2.1 Các quy phạm đo đạc bản đồ địa hình, địa chính

2.2 Các tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến trắc địa

2.3 Các tiêu chuẩn, quy phạm khảo sát các công trình giao thông

2.4 Các tiêu chuẩn, quy phạm khảo sát các công trình thủy lợi

3. Phân cấp địa hình trong công tác khảo sát

Tùy theo mục đích công việc mà địa hình được phân cấp như sau:

3.1 Bảng phân cấp địa hình cho công tác thăm dò địa vật lý

Cấp địa hình

Những địa hình tiêu biểu cho mỗi cấp

I

  • Vùng địa hình bằng phẳng, thung lũng rộng hoặc đồng bằng.
  • Đồi trọc hoặc cây thưa lẫn cỏ tranh, sườn dốc không quá 10 độ.
  • Ao hồ, mương, suối, ruộng nước chiếm không quá 20% diện tích khu vực khảo sát.

II

  • Vùng công tác khá bằng phẳng, đồi thấp, dốc thoải (sườn dốc không quá 20 độ) hoặc một phần là bãi cát hoặc đầm lầy.
  • Rừng thưa, ít cây to, giang nứa. Vùng ruộng nước canh tác, ít nước, chiếm không quá 30% diện tích khu vực khảo sát.
  • Khu vực có thôn xóm, nhà cửa, vườn cây, ao hồ chiếm đến 20% diện tích khu vực khảo sát.
  • Khu vực ít công trình, hầm mỏ, công trường (khoảng 20%) chiều dài các tuyến khảo sát nằm trong khu vực đã xây dựng.
  • Vùng địa hình ít bị cắt bởi mạng lưới khe suối. Đồi núi gồ ghề, sườn dốc không quá 30%.

III

  • Vùng trũng có nhiều mương máng hoặc vùng đầm lầy, rừng rậm, cây leo, giang nứa chiếm 50% diện tích khảo sát.
  • Khu vực công trường, mỏ khai thác lộ thiên. Thành phố có nhiều nhà cửa, công trình (khoảng 50% chiều dài các tuyến thăm dò nằm trong khu vực đã xây dựng).

IV

  • Vùng địa hình phức tạp, vận chuyển máy móc, thiết bị khó khăn.
  • Vùng bị phân cắt mạnh, đồi núi dốc cao, sườn dốc lớn hơn 30 độ, khe suối sâu, hiểm trở.
  • Rừng rậm nhiều cây leo chằng chịt hoặc đầm lầy, đồng trũng, ao hồ nhiều chiếm hơn 70% diện tích khảo sát.
  • Các tuyến khảo sát thường xuyên cắt qua suối hoặc tất cả các tuyến thăm dò đều đi qua khu vực đã xây dựng.

3.2 Bảng phân cấp địa hình cho công tác khống chế mặt bằng

Cấp địa hình

Đặc điểm địa hình

I

  • Vùng đồng bằng địa hình đơn giản, dân cư thưa thớt, hướng ngắm không bị vướng.
  • Vùng trung du, đồi thấp sườn rất thoải và độ cao thấp dưới 20m chủ yếu là đồi trọc, không ảnh hưởng đến hướng ngắm.

II

  • Vùng đồng bằng địa hình tương đối đơn giản, ít dân cư, hướng ngắm bị vướng ít, dễ chặt phát.
  • Vùng đồi dân cư thưa, độ cao từ 20 – 30m chủ yếu là đồi trọc ít cỏ cây nhưng khối lượng chặt phát ít, dân cư thưa.

III

  • Vùng đồng bằng dân cư đông, địa hình bị chia cắt nhiều bởi kênh rạch sông suối, hướng ngắm khó thông suốt, phải chặt phát. Vùng trung du đồi núi cao từ 30m- 50m, trên đỉnh có bụi hoặc lùm cây, mật độ dân cư vừa phải, hướng ngắm khó thông suốt phải phát dọn.
  • Vùng ruộng sình lầy hoặc bãi thủy triều cỏ sú vẹt mọc thấp xen lẫn có đồi núi, làng mạc, đi lại khó khăn, hướng ngắm không thông suốt.

IV

  • Khu vực thị trấn, thị xã địa hình phức tạp, hướng ngắm khó thông suốt.
  • Vùng bãi thủy triều lầy lội, thụt sâu, sú vẹt mọc cao hơn tầm ngắm, đi lại khó khăn, phải chặt phá nhiều.
  • Vùng đồi núi cao từ 50 – 100m, hướng ngắm không thông suốt, phải chặt phát địa hình bị phân cắt xen lẫn có rừng cây công nghiệp, cây đặc sản, việc chặt phát thông hướng bị hạn chế.
  • Vùng Tây Nguyên nhiều cây trồng, cây công nghiệp như cà phê, cao su… Rừng cây khộp, địa hình chia cắt trung bình, mật độ sông suối trung bình.

V

  • Khu vực thành phố, thị xã, nhiều nhà cao tầng, ống khói, cột điện, cây cao ảnh hưởng đến độ thông suốt của hướng ngắm.
  • Vùng rừng núi cao trên 100m địa hình phân cắt nhiều, cây cối rậm rạp, hướng ngắm không thông suốt, đi lại khó khăn.
  • Vùng Tây Nguyên rừng khộp dày, chia cắt nhiều, vùng giáp biên có rừng khộp.

VI

  • Vùng rừng núi hoang vu rậm rạp, nhiều thú dữ, muỗi, vắt, rắn độc, hướng ngắm rất khó thông suốt, khối lượng chặt phá rất lớn, đi lại rất khó khăn.
  • Vùng núi cao từ 100m đến 300m, hiểm trở, vách đứng, khó leo trèo, đi lại.
  • Vùng hải đảo đất liền, đồi núi cây cối rậm rạp, địa hình phức tạp.
  • Vùng đặc biệt, vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh, các hải đảo xa đất liền, cây cối rậm rạp. đi lại khó khăn, vùng có nhiều bom mìn chưa được rà phá.

3.3 Bảng phân cấp địa hình cho công tác khống chế cao độ

Cấp địa hình

Đặc điểm địa hình

I

  • Tuyến đo đi qua vùng địa hình đơn giản, quang đãng, khô ráo, đi lại dễ dàng.

II

  • Tuyến đo đi qua vùng địa hình bằng phẳng, độ dốc không quá 1%.
  • Tuyến thủy chuẩn đo qua cánh đồng, ruộng có nước nhưng có thể đặt được máy và mia.
  • Tuyến thủy chuẩn chạy cắt qua các trục đường giao thông quang đãng, ít bị ảnh hưởng người và xe cộ trong khi đo ngắm.

III

  • Tuyến thủy chuẩn đo trong khu dân cư, làng mạc, tầm nhìn bị vướng, phải chặt phát, xen lẫn có ruộng nước lầy lội, tuyến thủy chuẩn băng qua vùng đồi núi sườn thoải, độ dốc ≤ 5%, vùng trung du khá bằng phẳng địa hình ít lồi lõm, phân cắt ít.

IV

  • Tuyến thủy chuẩn đo trong khu vực thị trấn, thị xã, thành phố mật độ người và xe cộ qua lại lớn ảnh hưởng đến công việc đo đạc.
  • Tuyến thủy chuẩn qua rừng núi, địa hình khá phức tạp độ dốc ≤ 10%, nhiều cây cối, ảnh hưởng đến tầm nhìn, hoặc đo qua vùng nhiều sông ngòi lớn, kênh rạch.

V

  • Tuyến thủy chuẩn đo qua vùng sình lầy, bãi lầy ven biển sú vẹt, hoặc rừng đước mọc cao hơn máy, ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn, phải chặt phát hoặc chỗ đặt máy bị lún, phải đóng cọc đệm chân máy.
  • Tuyến thủy chuẩn đi qua rừng núi cao, núi đá, rậm rạp, địa hình rất phức tạp khó khăn, độ dốc ≤ 20% đo đạc theo các triền sông lớn vùng thượng lưu.
  • Vùng Tây Nguyên rừng khộp dày, nhiều gai rậm, qua khu rừng nguyên sinh, giáp biên giới.
  • Vùng núi đá vôi hiểm trở, vách đứng.
  • Vùng hải đảo núi đá lởm chởm.
  • Vùng rừng núi hoang vu rậm rạp, hướng ngắm rất khó thông suốt, đi lại rất khó khăn, phải chặt phát nhiều.
  • Vùng núi đá cao hơn 100m, vùng đá vôi hiểm trở, vách đứng, khó leo trèo, đi lại.
  • Vùng hải đảo, vùng biên giới xa xôi có nhiều cây, rừng nguyên sinh hẻo lánh.

3.4 Bảng phân cấp địa hình cho công tác đo mặt cắt trên cạn

Cấp địa hình

Đặc điểm

I

  • Vùng đồng bằng địa hình khô ráo, bằng phẳng, dân cư thưa thớt, không ảnh hưởng hướng ngắm.

II

  • Vùng đồng bằng, tuyến đo qua vùng trồng lúa nước, vùng ruộng bậc thang thuộc trung du hay cây màu cao 1m, vùng đồi trọc.
  • Vùng bằng phẳng Tây Nguyên có xen kẽ cây lau sậy, bụi gai có chiều cao < 1m.

III

  • Vùng đồng bằng, dân cư thưa, ít nhà cửa, ruộng nước ít lầy lội hoặc vùng bãi thủy triều có sú vẹt mọc thấp, vùng trung du có địa hình ít phức tạp, đồi cao từ 30 – 50m, hướng ngắm khó thông suốt, phải phát dọn.
  • Vùng bằng phẳng Tây Nguyên có cây trồng thưa, xen kẽ có bản làng, rừng khộp thưa thớt.

IV

  • Tuyến đo qua vùng thị trấn, ngoại vi thị xã, thành phố, vườn cây ăn quả không được chặt phát.
  • Tuyến đo qua vùng bãi thủy triều lầy thụt, sú vẹt mọc cao hơn tầm ngắm, đi lại khó khăn phải chặt phát nhiều.
  • Tuyến đo qua vùng đồi núi cao 50 ÷ 100m, vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, hướng ngắm khó thông suốt, phải chặt phá nhiều.
  • Tuyến qua vùng Tây Nguyên, cây trồng dày đặc, không được phát, rừng khộp phủ kín 40% hoặc có nhiều bản làng phải đo gián tiếp.

V

  • Vùng rừng núi cao 100 ÷150m, cây cối rậm rạp, đi lại khó khăn, hướng ngắm không thông suốt, phải chặt phá nhiều, từ tuyến đo men theo đồi núi dốc đứng, khu có đường mòn, đi lại phải leo trèo, có nhiều cây con, gai góc, vướng tầm ngắm.
  • Vùng bằng phẳng Tây Nguyên rừng khộp dày đặc > 80% hoặc qua nhiều làng mạc, dày đặc cây trồng, cây công nghiệp cao, không được phát (cao su, cà phê…).

VI

  • Vùng rừng núi cao trên 150m hoang vu, rậm rạp, có nhiều thú dữ, côn trùng độc hại, khối lượng chặt phá rất lớn, đi lại khó khăn.
  • Vùng rừng núi giang, nứa phủ dày, cây cối gai góc rậm rạp, đi lại khó khăn.
  • Vùng bằng phẳng Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh, rừng khộp dày gần 100%, vùng giáp biên giới có rừng khộp > 80%

3.5 Bảng phân cấp địa hình cho công tác đo mặt cắt dưới nước

Cấp địa hình

Đặc điểm

I

  • Sông rộng dưới 100m, lòng sông có nhiều đoạn thẳng, nước chảy chậm.
  • Hai bờ sông thấp, thoải đều, đi lại thuận tiện, không ảnh hưởng hướng ngắm.

II

  • Sông rộng 101 ÷ 300m, có bãi nổi hoặc công trình thủy công, nước chảy chậm hoặc chịu ảnh hưởng thủy triều.
  • Bờ sông thấp, thoải đều, cây thưa, có ao hồ và ruộng nước, hướng ngắm ít bị che khuất.

III

  • Sông rộng 301 ÷ 500m hoặc sông chịu ảnh hưởng của thủy triều, có nhiều bãi nổi và công trình thủy công, có sóng nhỏ.
  • Hai bờ sông có đồi thấp, cây cối vướng tầm ngắm phải chặt phát.
  • Khi đo cấp I + II vào mùa lũ: Nước chảy mạnh, khó qua lại trên sông nước.

IV

  • Sông rộng 501 ÷ 1000m.
  • Sông có nước chảy xiết (< 1,0m/s), có ghềnh thác, suối sâu.
  • Hai bờ sông có núi cao, cây cối rậm rạp, vướng tầm ngắm, phải chặt phát nhiều.
  • Khi đo địa hình cấp III vào mùa lũ: Nước chảy xiết.

V

  • Vùng sông rộng > 1000m, có sóng cao, gió mạnh hoặc vùng ven biển.
  • Hai bờ là vùng dân cư hoặc khu công nghiệp hoặc vùng lầy thụt, mọc nhiều sú vẹt, vướng tầm ngắm, phải chặt phá nhiều.
  • Khi đo địa hình cấp IV vào mùa lũ: Nước chảy xiết.

3.6 Bảng phân cấp địa hình cho công tác đo vẽ thành lập bản đồ chi tiết trên cạn

Cấp địa hình

Đặc điểm địa hình

I

  • Vùng đồng bằng chủ yếu ruộng mầu khô ráo, thưa dân cư, quang đãng, đi lại dễ dàng, địa hình đơn giản.
  • Vùng bằng phẳng của thung lũng sông chảy qua vùng trung du đồi thấp dưới 20m, cây cỏ thấp dưới 0,5m đi lại dễ dàng.

II

  • Vùng đồng bằng ruộng màu xen lẫn ruộng lúa nước không lầy lội, làng mạc thưa, có đường giao thông, mương máng, cột điện chạy qua khu đo.
  • Vùng bằng phẳng chân đồi, vùng đồi thoải dưới 20m, cỏ cây mọc thấp, không vướng tầm ngắm, chân núi có ruộng cấy lúa, trồng màu, không lầy lội, đi lại thuận tiện.

III

  • Vùng đồng bằng dân cư thưa, ít nhà cửa, vườn cây ăn quả, ao hồ, mương máng, cột điện.
  • Vùng thị trấn nhỏ, nhà cửa thưa, độc lập.
  • Vùng đồi sườn thoải, đồi cao dưới 30m, lác đác có bụi cây, lùm cây cao bằng máy, phải chặt phát, sườn đồi có ruộng trồng khoai, sắn, có bậc thang, địa hình ít phức tạp.
  • Vùng bằng phẳng Tây Nguyên, vùng có lau sậy, có vườn cây ăn quả, cây công nghiệp, độ chia cắt trung bình.

IV

  • Vùng thị trấn, vùng ngoại vi thành phố lớn, thủ đô nhiều nhà cửa, vườn cây rậm rạp, có công trình nổi và ngầm, hệ thống giao thông thủy bộ, lưới điện cao, hạ thế, điện thoại phức tạp.
  • Vùng đồi núi cao dưới 50m xen lẫn có rừng thưa hoặc rừng cây công nghiệp cao su, cà phê, sơn, bạch đàn … khi đo không được chặt phát hoặc hạn chế việc phát, địa hình tương đối phức tạp.
  • Vùng bằng phẳng Tây Nguyên có nhiều vườn cây ăn quả không chặt phá được, nhiều bản làng, có rừng khộp bao phủ không quá 50%.
  • Vùng bãi thủy triều lầy lội, sú vẹt mọc cao hơn tầm ngắm phải chặt phát.

V

  • Vùng thị xã, thành phố, thủ đô, mật độ người và xe qua lại đông đúc, tấp nập, ảnh hưởng đến việc đo đạc, có công trình kiến trúc nổi và ngầm, hệ thống đường cống rãnh phức tạp.
  • Vùng đồi núi cao dưới 100m, cây cối rậm rạp núi đá vôi tai mèo lởm chởm, nhiều vách đứng hay hang động phức tạp.

VI

  • Vùng rừng núi cao trên 100m cây cối rậm rạp hoang vu, hẻo lánh.
  • Vùng bằng phẳng cao nguyên nơi biên giới vùng khộp dày.
  • Vùng biên giới hải đảo xa xôi, đi lại khó khăn, địa hình hết sức phức tạp.
  • Vùng núi đá vôi tai mèo lởm chởm, cheo leo nhiều thung lũng vực sâu, hang động, cây cối rậm rạp.

3.7 Bảng phân cấp địa hình cho công tác đo vẽ thành lập bản đồ chi tiết dưới nước

Cấp địa hình

Đặc điểm địa hình

I

  • Sông rộng dưới 50m, nước yên tĩnh hoặc chảy rất chậm, lòng sông có nhiều đoạn thẳng bằng, bờ sông thấp thoải đều.
  • Bờ hai bên có bãi hoa mầu, ruộng, nhà cửa thưa thớt, chiếm 10 – 15% diện tích, cây cối thấp, thưa (khi đo không phải phát)

II

  • Sông rộng từ dưới 100m, nước yên tĩnh hoặc chảy rất chậm, gợn sóng có bãi nổi hoặc công trình thủy công, chịu ảnh hưởng của thủy triều.
  • Hai bờ sông thấp thoải đều, cây thưa, diện tích ao hồ ruộng nước, làng mạc chiếm từ < 30%.

III

  • Sông rộng dưới 300m hoặc sông chịu ảnh hưởng của thủy triều, có nhiều bãi nổi hoặc công trình thủy công, có sóng nhỏ.
  • Hai bờ sông có núi thấp, cây cối dày, diện tích ao, hồ, đầm lầy, làng mạc chiếm từ < 40%.
  • Khi đo địa hình cấp I + II vào mùa lũ. Nước chảy mạnh, khó qua lại trên sông nước.

IV

  • Sông rộng < 500m. Sóng gió trung bình. Sông có thác ghềnh, suối sâu, bờ dốc đứng, sóng cao, gió mạnh. Diện tích ao hồ đầm lầy, làng mạc chiếm trên 50%, có bến cảng lớn đang hoạt động.
  • Khi đo địa hình cấp III vào mùa lũ: Nước chảy xiết, thác ghềnh.

V

  • Sông rộng dưới 1.000m, sóng cao, gió lớn hoặc ven biển.
  • Bờ sông có đồi núi, ao hồ đầm lầy đi lại khó khăn, cây cối che khuất có nhiều làng mạc, đầm hồ chiếm 70%.
  • Khi đo địa hình cấp IV vào mùa lũ: Nước chảy xiết, sóng cao.

VI

  • Sông rộng > 1000m, sóng cao nước chảy xiết (< 2m/s). Dải biển cách bờ không quá 5 km, nếu có đảo chắn thì không quá 5km.
  • Vùng biển quanh đảo, cách bờ đảo không quá 5 km.
  • Khi đo địa hình cấp V vào mùa lũ: Nước chảy xiết, sóng cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi hotline Zalo